Note

Risk Appetite (khẩu vị rủi ro) và Risk Tolerance (mức chịu rủi ro) là gì?

· Views 178
Risk Appetite (khẩu vị rủi ro) là gì?

Về mặt định nghĩa, khẩu vị rủi ro (risk appetite) được hiểu là mức độ rủi ro mà một tổ chức hay cá nhân có thể chịu đựng được trong lĩnh vực kinh doanh hoặc đầu tư của mình. Việc xác định khẩu vị rủi ro sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp xác định được mức rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận và quyết định các chiến lược quản lý rủi ro dựa vào đó.

Risk Appetite (khẩu vị rủi ro) và Risk Tolerance (mức chịu rủi ro) là gì?

Khẩu vị rủi ro liên quan đến chiến lược dài hạn của công ty về tất cả những mục tiêu cần đạt được, xác định tổng thể mức rủi ro cho phép để đạt được tất cả các mục tiêu đó. Việc quyết định khẩu vị rủi ro có thể cung cấp cho doanh nghiệp những cơ sở cần thiết để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp trong dài hạn.

Khẩu vị rủi ro là một loại dữ liệu cụ thể, được tính toán chi tiết dựa trên sự tổng hợp từ nhiều yếu tố của doanh nghiệp như ngành nghề, văn hóa công ty, đối thủ, sức mạnh tài chính và các nguồn lực của công ty… Khẩu vị rủi ro có thể thay đổi dựa trên các yếu tố này, và cũng có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

Risk Tolerance (mức chịu rủi ro) là gì?

Mức chịu đựng rủi ro (risk tolerance) cũng là khái niệm đề cập đến mức rủi ro mà một doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân có thể chấp nhận cho việc kinh doanh giao dịch của mình. Tuy nhiên, nếu như khẩu vị rủi ro là mức rủi ro tổng thể mà doanh nghiệp tính toán trong dài hạn thì mức chịu đựng rủi ro có thể hiểu là các mức rủi ro cụ thể cho từng dự án, từng giai đoạn hoặc cho từng cá nhân tiêng biệt trong hoạt động chung của doanh nghiệp đó. Điều đó có nghĩa là mức chịu đựng rủi ro được sử dụng ở cấp độ hẹp hơn.

Một doanh nghiệp có thể xác định một khẩu vị rủi ro nhất định cho quá trình hoạt động lâu dài của mình, tuy nhiên trong đó có thể chia làm nhiều giai đoạn, nhiều dự án với mức chịu đựng rủi ro khác nhau.

Mức chịu đựng rủi ro cao có nghĩa là một dự án có thể sẵn sàng đối mặt với những rủi ro lớn không thể tránh khỏi. Ngược lại, mức chịu đựng rủi ro thấp là một dự án cần giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất, và sẽ không chấp nhận thực hiện nếu phải đối mặt với mức rủi ro cao hơn.

Ngoài ra, khái niệm mức chịu đựng rủi ro trên thực tế còn khá mơ hồ, nó có thể được hiểu rất chung chung theo nhiều cách khác nhau chứ không cụ thể và rõ ràng như khẩu vị rủi ro. Nếu tìm hiểu về khái niệm Risk Tolerance, anh em có thể bắt gặp khá nhiều các nguồn tài liệu khác nhau với những cách định nghĩa khác nhau. Cũng chính vì sự mơ hồ đó khiến cho nhiều người nhầm lẫn và sử dụng hợp nhất hai khái niệm mức chịu đựng rủi ro và khẩu vị rủi ro.

Điểm khác biệt cơ bản giữa khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro là gì?

Risk Appetite và Risk Tolerance là hai thuật ngữ tiếng Anh, chúng sẽ được phân biệt rõ ràng hơn khi sử dụng nghĩa gốc trong tiếng Anh. Khi được dịch sang tiếng Việt, khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro thường không được tách rời mà chỉ được sử dụng chung với ý nghĩa là mức chịu đựng rủi ro của một tổ chức hay cá nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế hai thuật ngữ này không chỉ gây nhầm lẫn ở Việt Nam, mà cũng đem lại nhiều mối băn khoăn cho các nhà kinh doanh trên toàn thế giới. Thông qua định nghĩa và tìm hiểu từ các nguồn thông tin khác nhau, mình rút ra được rằng có hai điểm khác biệt cơ bản giữa khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro, bao gồm :
  • Khẩu vị rủi ro (risk appetite) thể hiện mức chấp nhận rủi ro ở cấp độ cao hơn, xem xét một cách tổng quát tất cả các rủi ro mà một doanh nghiệp, tổ chức có thể gặp phải trong dài hạn. Ngược lại, mức chịu đựng rủi ro (risk tolerance) được sử dụng ở cấp độ hẹp hơn, quyết định mức chấp nhận rủi ro cho từng dự án, từng bộ phận nhỏ.
  • Khẩu vị rủi ro được định nghĩa rõ ràng, được sử dụng như một công cụ quản lý rủi ro cố định và là tham chiếu để doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân xây dựng các chiến lược tổng thể trong kinh doanh và đầu tư. Mặt khác, mức chịu đựng rủi ro có thể coi như một công cụ để phản ứng với những rủi ro tức thời, thể hiện việc chấp nhận rủi ro nếu chúng xảy ra.
Mặc dù được sử dụng với mục đích chính để quản lý rủi ro trong kinh doanh, tuy nhiên khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro cũng trở nên rất quan trọng trong thị trường tài chính, cụ thể là thị trường Forex. Giao dịch Forex đôi khi cũng được ví như kinh doanh, và nếu anh em để ý thì sẽ thấy rằng các nhà giao dịch cũng thường được gọi là các nhà kinh doanh ngoại hối.

Vậy chúng ta có thể vận dụng hai khái niệm khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro như thế nào để đúng nhất với ý nghĩa của nó ?

Cá nhân mình cho rằng quan trọng nhất là anh em biết cách quản lý vốn và có chiến lược quản lý rủi ro cụ thể, thì việc phân biệt hai khái niệm khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro không còn quá quan trọng. Chúng ta chỉ cần xác định mức rủi ro mà bản thân sẵn sàng chấp nhận trong quá trình giao dịch, từ đó xây dựng kế hoạch giao dịch phù hợp.

Tuy nhiên, nếu đã hiểu được sự khác biệt giữa khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chúng một cách đúng nhất, với nguyên lý đơn giản như sau :
  • Khẩu vị rủi ro sẽ là mức rủi ro mà anh em chấp nhận cho toàn bộ số vốn của mình khi áp dụng một kế hoạch giao dịch mới. Nếu mức thua lỗ chạm tới mức khẩu vị rủi ro được đưa ra có nghĩa là kế hoạch không hoạt động tốt, và anh em cần xem xét lại. Anh em cần tính toán khẩu vị rủi ro một cách kỹ lưỡng dựa theo tất cả các yếu tố khác của kế hoạch giao dịch đó.
  • Mức chịu đựng rủi ro có thể là mức thua lỗ mà anh em chấp nhận cho từng giao dịch, hoặc tính theo từng ngày, từng tuần. Có nghĩa là anh em sẽ chia nhỏ việc quản lý rủi ro của mình để dễ tính toán và dễ kiểm soát hơn, nhưng cần đảm bảo phù hợp với khẩu vị rủi ro chung.
Trên thực tế cách phân chia khẩu vị rủi ro và mức chịu đựng rủi ro này cũng chỉ là một ví dụ. Anh em có thể áp dụng theo nhiều cách khác nhau dựa trên ý nghĩa của mỗi loại. Tuy nhiên, việc phân chia cấp độ như vậy chắc chắn sẽ giúp anh em quản lý vốn một cách đơn giản và hiệu quả hơn.

Các cấp độ chính của khẩu vị rủi ro (Risk Appetite)

Chúng ta sẽ không tiếp tục phân tích về sự khác biệt giữa Risk Appetite và Risk Tolerance nữa, mà mình sẽ cùng anh em tìm hiểu về các cấp độ chính của khẩu vị rủi ro. Anh em có thể thấy có những nhà giao dịch thích những giao dịch có rủi ro cao, nhưng cũng có những người khác giao dịch rất thận trọng với mức rủi ro thấp nhất có thể. Đó chính là sự khác nhau về khẩu vị rủi ro của họ.

1. Risk – Sekking

Risk – Sekking được dịch ra có ý nghĩa là “tìm kiếm rủi ro”. Chỉ với tên gọi có lẽ anh em cũng hình dung ra rằng đây là khẩu vị rủi ro ở mức cao. Cụ thể, Risk – Sekking chỉ những người sẵn sàng chấp nhận những mức rủi ro lớn, tìm kiếm những giao dịch không chắc chắn hoặc những biến động mạnh để hy vọng đổi lấy lợi nhuận cao hơn.

Các nhà giao dịch theo trường phái risk – sekking thường quan tâm đến thu nhập tiềm năng từ việc đầu cơ và các biến động ngắn hạn nhiều hơn so với việc bảo toàn vốn từ các tài sản có rủi ro thấp. Họ chấp nhận đánh đổi những rủi ro để kỳ vọng những khoản lợi nhuận trên mức trung bình.

Hành vi “tìm kiếm rủi ro” thường xuất hiện nhiều hơn trong các thị trường đang có xu hướng mạnh, khi đó các nhà giao dịch cảm thấy hưng phấn với mức lợi nhuận lớn và kỳ vọng rằng giá sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận. Các loại tài sản thu hút những nhà đầu tư risk – sekking gồm các loại cổ phiếu penny, các loại tiền tệ ít phổ biến của các quốc gia đang phát triển…

Risk – Sekking cũng có thể được sử dụng để mô tả các doanh nhân sẵn sàng từ bỏ sự ổn định của các công việc cố định để khởi nghiệp, thành lập các công ty riêng của mình.

2. Risk – Averse

Cấp độ khẩu vị rủi ro thứ hai là Risk – Averse, những người không thích rủi ro. Đây là thuật ngữ hoàn toàn ngược lại so với Risk – Sekking, mô tả những nhà giao dịch lựa chọn việc bảo toàn vốn một cách an toàn thay vì tìm kiếm lợi nhuận cao.

Trong đầu tư và giao dịch, rủi ro tương đương với sự biến động của giá cả, và cũng tương đương với mức lợi nhuận tiềm năng. Những khoản đầu tư rủi ro với biến động cao có thể giúp anh em trở nên giàu có, tuy nhiên cũng có thể khiến anh em mất toàn bộ số vốn của mình.

Thay vì mạo hiểm như vậy, các nhà giao dịch Risk – Averse đã lựa chọn phương án an toàn hơn, đó là các khoản đầu tư thận trọng, mặc dù lợi nhuận tăng trưởng chậm nhưng ít rủi ro và ổn định theo thời gian.

Rủi ro thấp đồng nghĩa với sự ổn định, có nghĩa là sự biến động về tiền bạc của chúng ta ở mức thấp và thay đổi chậm. Một khoản đầu tư rủi ro thấp đảm bảo lợi nhuận hợp lý, đồng thời mức thua lỗ nếu gặp phải ở mức rất an toàn, không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe tài chính của anh em.

Các nhà đầu tư không thích rủi ro thường tìm đến các kênh an toàn như gửi tiết kiệm, trái phiếu công ty, cổ phiếu tăng trưởng… Tất cả các loại tài sản này hầu như đều đảm bảo rằng tiền của anh em luôn luôn ở đó và có thể được hoàn lại bất cứ lúc nào anh em cần.

3. Risk Neutral

Có những nhà giao dịch cho rằng Risk – Sekking là quá rủi ro, nhưng Risk – Averse lại có mức lợi nhuận kém hấp dẫn, họ là những người theo trường phái Risk Neutral, hay có thể hiểu là trung lập với rủi ro.

Cụ thể, họ không chủ động “tìm kiếm” những khoản đầu tư rủi ro cao giống như Risk – Sekking, nhưng cũng không sử dụng những kênh đầu tư an toàn như Risk – Averse. Họ tập trung tìm kiếm các kênh giao dịch có tiềm năng lợi nhuận cao trước khi để ý tới rủi ro, tức là rủi ro cao hay thấp đều có thể được chấp nhận với những cách phản ứng phù hợp.

Risk Appetite (khẩu vị rủi ro) và Risk Tolerance (mức chịu rủi ro) là gì?

Có nhiều nhà giao dịch có thể thay đổi tư duy từ không thích rủi ro (risk – averse) sang trung lập với rủi ro (risk neutral) khi không còn hài lòng với mức lợi nhuận thấp. Họ hướng mục tiêu đến việc tìm kiếm những khoản lợi nhuận tốt, hoặc đơn giản là cùng một mức lợi nhuận nhưng họ sẵn sàng chịu mức rủi ro cao hơn.

Chúng ta có thể thấy được rằng việc không quan tâm đến rủi ro đã chính là một loại rủi ro cao. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trung lập với rủi ro đã bù đắp lại thiếu sót đó bằng cách chỉ tập trung vào những khoản đầu tư thực sự có tiềm năng lợi nhuận lớn.

Ví dụ, chúng ta có một khoản đầu tư với số vốn 1000$, mức lợi nhuận kỳ vọng cũng là 1000$ nhưng rủi ro là mất đi toàn bộ số vốn ban đầu. Nếu chúng ta khảo sát các nhà giao dịch về khoản đầu tư này, sẽ có 3 lựa chọn bao gồm:
  • Tôi sẽ không bao giờ tham gia vào giao dịch này (1)
  • Tôi cần thêm thông tin về khoản đầu tư này (2)
  • Tôi sẽ đầu tư vào nó ngay bây giờ (3)
Những người lựa chọn phương án đầu tiên rất rõ ràng là những người không thích rủi ro. Tương tự, những người tìm kiếm rủi ro sẽ chọn phương án thứ (3). Còn những người lựa chọn phương án (2) chính là những người trung lập với rủi ro. Họ muốn có thêm thông tin không phải là họ quan ngại về mức rủi ro, mà họ cần sự xác nhận chắc chắn hơn về lợi nhuận có thể đạt được.

Những nhà giao dịch trung lập với rủi ro luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng họ cần có sự xác nhận để có một tỷ lệ thành công cao hơn cho khoản đầu tư của mình chứ không vội vàng tham gia giao dịch. Kể cả với những khoản đầu tư có rủi ro thấp, họ cũng sẽ nghiên cứu kỹ khả năng thu lợi nhuận, vì điều họ quan tâm là lợi nhuận chứ không phải rủi ro ít hay nhiều.

Disclaimer: The content above represents only the views of the author or guest. It does not represent any views or positions of FOLLOWME and does not mean that FOLLOWME agrees with its statement or description, nor does it constitute any investment advice. For all actions taken by visitors based on information provided by the FOLLOWME community, the community does not assume any form of liability unless otherwise expressly promised in writing.

FOLLOWME Trading Community Website: https://www.followme.com

If you like, reward to support.
avatar

Hot

cảm ơn ad

-THE END-