Note

Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan

Verified Media
· Views 39
Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan

Vietstock - Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan

Ngoài chính sách miễn, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, năm 2021 còn ghi dấu ấn với nhiều cột mốc trong chính sách ngân hàng.

* Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 1): Những chính sách xoay quanh Covid-19

Ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Ngày 10/11/2021, NHNN ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Trong đó, các TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Đáng chú ý, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/01/2022.

Ngân hàng chỉ được mua chứng chỉ tiền gửi thời hạn dưới 12 tháng

Ngày 30/07/2021, NHNN ban hành Thông tư 12/2021/TT-NHNN quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước (gọi là giấy tờ có giá) chưa đến hạn thanh toán mà bên mua nhận chuyển giao quyền sở hữu và không kèm theo cam kết bán, mua lại giấy tờ có giá hoặc bảo lưu quyền truy đòi (gọi là mua, bán giấy tờ có giá).

Các ngân hàng được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc giấy tờ có giá khác ghi trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam.

Đáng chú ý, các ngân hàng chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá đến hạn thanh toán hết gốc, lãi của giấy tờ có giá đó.

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không được mua trái phiếu chuyển đổi, vì trái phiếu là một loại chứng khoán.

Riêng đối với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, các ngân hàng chỉ được mua, bán với tổ chức (bao gồm cả TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Các ngân hàng không được phép mua từ cá nhân.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 27/10/2021.

Cơ chế cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt

Ngày 06/07/2021, NHNN ban hành Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, TCTD khác đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, NHNN cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

NHNN cũng cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc theo quyết định của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với một số TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Thông tư cũng quy định bên đi vay chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại bên đi vay; việc sử dụng khoản vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của đối tượng khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Số tiền cho vay đặc biệt trong các trường hợp do NHNN xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Thời hạn cho vay đặc biệt trong các trường hợp do NHNN xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng.

Lãi suất đối với khoản vay NHNN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt:

a) Lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn cho vay đặc biệt bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản cho vay đặc biệt được giải ngân, gia hạn;

b) Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn của khoản vay tại thời điểm chuyển quá hạn;

c) Không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả.

Tài sản bảo đảm đối với khoản vay sẽ được NHNN xem xét theo thứ tự ưu tiên như sau: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trái phiếu được phát hành bởi TCTD không được kiểm soát đặc biệt và doanh nghiệp khác; thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với khách hàng (trừ TCTD).

Tỷ lệ giữa giá trị các tài sản bảo đảm còn lại và số tiền cho vay đặc biệt tối thiểu là 170%.

Khi khoản vay đặc biệt đến hạn, TCTD đi vay phải trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt cho bên cho vay, có thể trả nợ vay đặc biệt trước hạn.

Đối với khoản vay không được gia hạn hoặc không trả nợ theo quy định, NHNN sẽ chuyển dư nợ khoản cho vay đặc biệt sang theo dõi quá hạn, áp dụng lãi suất quy định, trích tài khoản tại NHNN để thu hồi nợ, yêu cầu bên đi vay chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.

Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 27/10/2021.

Nhà nước vẫn giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ ngân hàng quốc doanh

Ngày 02/07/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước sẽ nắm 100% vốn điều lệ, gồm đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn.

Lĩnh vực truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD... cũng được Nhà nước giữ 100% vốn.

Kế đó, Nhà nước cũng nắm trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại các lĩnh vực khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị nông thôn; sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không; đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên; sản xuất thuốc lá điếu...

7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi, thoái vốn trong 5 năm tới, gồm quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (trừ bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...

Như vậy, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ tối thiểu 65% vốn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh giai đoạn 2021-2025.

Quyết định cũng nêu rõ: “Trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này".

Như vậy, quyết định chính thức về tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại từng ngân hàng thương mại quốc doanh còn phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng giai đoạn 2021 - 2025, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại các ngân hàng thương mại quốc doanh xuống 51%. Bởi lẽ, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ban hành ngày 8/8/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ghi: "Trong giai đoạn 2021 - 2025, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%”.

Các ngân hàng chính thức dừng phát hành thẻ từ

Ngày 31/12/2020, NHNN ban hành Thông tư số 22/2020/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Đến ngày 31/12/2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Đồng thời, bổ sung quy định từ ngày 31/03/2021, các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN do NHNN cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Điều này, có nghĩa các ngân hàng thương mại phải dừng việc phát hành mới thẻ ghi nợ nội địa (ATM) là thẻ từ và chuyển sang thẻ chip nội địa.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/02/2021, quy định về gia hạn lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Đón đọc kỳ 3: Những dự thảo còn nằm trên giấy

Cát Lam

Disclaimer: The content above represents only the views of the author or guest. It does not represent any views or positions of FOLLOWME and does not mean that FOLLOWME agrees with its statement or description, nor does it constitute any investment advice. For all actions taken by visitors based on information provided by the FOLLOWME community, the community does not assume any form of liability unless otherwise expressly promised in writing.

FOLLOWME Trading Community Website: https://www.followme.com

If you like, reward to support.
avatar

Hot

No comment on record. Start new comment.