Note

Châu Âu báo động rủi ro gia tăng trong hệ thống tài chính

· Views 66
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo sự kết hợp độc hại giữa suy thoái, lạm phát tăng cao, chi phí vay đắt đỏ và thanh khoản thấp hơn đang đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) gồm 19 nước thành viên.

Châu Âu báo động rủi ro gia tăng trong hệ thống tài chính
Báo cáo của ECB cho biết xác suất suy thoái của eurozone vào năm 2023 đã tăng lên mức 80%. Ảnh: Getty

Báo cáo của ECB nhận định, xác suất suy thoái của eurozone và Anh vào năm 2023 đã tăng lên mức 80%. Hôm 16-11, Anh cho biết lạm phát hàng năm trong tháng 10 của nước này tăng 11,1%, cao nhất trong 41 năm.

Theo ECB, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở eurozone ngày càng tăng, đồng thời giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao do cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng làm tăng rủi ro thua lỗ của các ngân hàng trong khu vực.

Cảnh báo trên được đưa ra trong báo cáo ổn định tài chính ở eurozone phát hành hai năm mỗi lần của ECB công bố hôm 16-11.

Luis de Guindos, Phó Chủ tịch ECB, cho biết các rủi ro đối với sự ổn định tài chính của eurozone đang tăng lên, trong khi đó, xác suất xảy suy thoái kỹ thuật của khu vực này đang cao hơn.

Ông kêu gọi các ngân hàng trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ khó đòi đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý toàn cầu yêu cầu các quỹ đầu tư nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn. Ông cũng lưu ý ECB sẽ thận trọng trong việc bắt đầu thu hẹp kho dự trữ trái phiếu trị giá 5 nghìn tỉ euro vào năm tới .

Báo cáo của EBC cho biết lạm phát cao, khả năng suy thoái gia tăng và chi phí tài chính cao hơn đang đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đang gánh nhiều nợ và có thể dẫn đến nhiều vụ phá sản và cơn biến động mạnh trên thị trường tài chính.

“Tất cả các tổn thương này có thể xuất hiện đồng thời, có khả năng củng cố lẫn nhau”,  báo cáo lưu ý thêm.

Bản thân ECB đã góp phần gây ra căng thẳng bằng cách tăng mạnh lãi suất trong năm nay. Tổ chức này có kế hoạch thảo luận việc thu hẹp danh mục trái phiếu trị giá gần 5 ngàn tỉ euro tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 12, một động thái có khả năng làm tăng áp lực lên thanh khoản thị trường

Trong năm nay, tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ của Anh và cuộc khủng hoảng tiền mặt của các công ty kinh  doanh năng lượng ở châu Âu đã cho thấy hệ thống tài chính của khu vực eurozone ngày càng dễ bị tổn thương như thế nào trước những biến động mạnh trên thị trường.

ECB kêu gọi các cơ quan quản lý toàn cầu, dưới sự điều phối của Ủy ban ổn định tài chính, có trụ sở tại Thụy Sĩ, đẩy nhanh các nỗ lực giải quyết tổn thương của khu vực tài chính phi ngân hàng trước tình trạng thanh khoản siết chặt.

Ông De Guindos nhấn mạnh mối quan tâm lớn của ECB là các quỹ đầu tư lớn có nguy cơ bị rút tiền nhanh chóng với quy mô lớn trong thời điểm thị trường căng thẳng, khiến họ cần phải nắm giữ một tỷ lệ tài sản thanh khoản nhất định.

Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các quỹ đầu tư ở khu vực eurozone tăng kể từ đầu năm nay, nhưng ECB cho biết tỷ lệ nắm giữ tài sản thanh khoản của họ “vẫn tương đối thấp”. ECB cảnh báo: “Rủi ro vẫn còn cao khi các quỹ đầu tư có thể, trong một kịch bản bất lợi, làm trầm trọng thêm sự điều chỉnh thị trường thông qua hành vi bán tài sản theo chu kỳ”.

Trong khi nhiều ngân hàng đang được hưởng lợi từ tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ lãi suất tăng, ECB cảnh báo khi nền kinh tế yếu hơn và rủi ro tín dụng gia tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của họ trong trung hạn.

Guindos ghi nhận một số công ty trong các lĩnh vực như xây dựng và tiện ích đang phải vật lộn với giá năng lượng đắt đỏ, mức nợ tăng cao và khả năng chuyển chi phí cao hơn sang khách hàng bị hạn chế.

Ông nói thêm rằng lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các hộ gia đình, đặc biệt là ở những nước nơi có các khoản thế chấp với lãi suất dao động.

Định chế tài chính này cũng kêu gọi các chính phủ của eurozone đảm bảo các biện pháp hỗ trợ của họ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng là có trọng điểm và và tạm thời. Ông de Guindos nói: “Nó không thể giống như cách tiếp cận chính sách tài khóa ‘làm bất cứ điều gì cần thiết’ mà chúng ta đã thấy trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

“Mức thâm hụt ngân sách cao  kéo dài ở một số nước, cùng với chi phí huy động vốn tăng cao, có thể không chỉ hạn chế không gian tài khóa sẵn có để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc trong tương lai, mà còn có thể khiến các biến động nợ đi theo một quỹ đạo kém thuận lợi hơn, đặc biệt là ở các nước có mức nợ cao”, ECB cho hay.

Khi được hỏi về sự sụp đổ của FTX, một trong những nền tảng giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, Guindos cho biết cho đến nay, ECB chưa thấy bất kỳ tác động lan tỏa nào đối với hệ thống tài chính rộng lớn hơn, đồng thời nói thêm ECB phải tiếp tục theo dõi vụ việc.

Disclaimer: The content above represents only the views of the author or guest. It does not represent any views or positions of FOLLOWME and does not mean that FOLLOWME agrees with its statement or description, nor does it constitute any investment advice. For all actions taken by visitors based on information provided by the FOLLOWME community, the community does not assume any form of liability unless otherwise expressly promised in writing.

FOLLOWME Trading Community Website: https://www.followme.com

If you like, reward to support.
avatar

Hot

No comment on record. Start new comment.